Tiến Trình Điều Trị Nội Nha Tại Nha Khoa Ở Cần Thơ

Tiến Trình Điều Trị Nội Nha Tại Nha Khoa Ở Cần Thơ

Các bước điều trị nội nha:

Bước 1. Mở tủy: Bác sĩ dùng mũi khoan tạo đường vào từ bề mặt răng đến buồng tủy, lấy sạch mô răng sâu.

Bước 2. Sửa soạn ống tủy: Bác sĩ dùng các bộ dụng cụ nhỏ chuyên biệt gọi là các trâm nội nha để nạo sạch các vụn tủy còn sót và dũa thuôn rộng ống tủy giúp việc trám bít sau này được thực hiện dễ dàng và chuẩn xác.

Phim X-quang thường được sử dụng để kiểm soát chiều dài ống tủy được sửa soạn tốt, không vượt quá phần chóp chân răng.

Giai đoạn này có thể hoàn tất trong 1 hay vài lần hẹn tùy độ phức tạp và số lượng ống tủy, đặc biệt với những ống tủy cong nhiều, hẹp hay phân nhánh. Giữa các lần hẹn Bác sĩ sẽ đặt thuốc sát khuẩn, trám tạm và hoặc ghi toa thuốc kháng sinh uống ở nhà. Lần hẹn sau khi việc sửa soạn hệ thống ống tủy đã hoàn tất và các triệu chứng lâm sàng ổn định, Bác sĩ sẽ sang giai đoạn trám bít ống tủy.

Bước 3 . Trám bít ống tủy: Vật liệu thường được sử dụng để trám bít ống tủy gọi là côn gutta percha được sản xuất dưới dạng thanh dài mảnh có kích thước bằng với các trâm nội nha.

Một côn gutta percha chính được đặt vào ống tủy có kích thước và chiều dài bằng với trâm nội nha được sử dụng để sửa soạn ống tủy ở giai đoạn trên. Côn được dán dính vào thành ống tủy bằng một loại xi măng lỏng đặc biệt.

image001_4

image003

Sau đó các côn phụ được lèn thêm vào cho đầy kín các ống tủy.

Trám tạm răng: Giai đoạn này có thể được kiểm tra lại bằng phim X-quang để đảm bảo hệ thống ống tủy được trám đủ chiều dài và khít sát.

Điều trị tủy thường hoàn tất trong một hoặc nhiều lần hẹn tùy trường hợp, phụ thuộc vào sự phức tạp của hệ thống ống tủy và mức độ nhiễm trùng tủy. Tiến trình lấy tủy và trám bít ống tủy thường không đau nhưng cũng thể có cảm giác khó chịu trong khi điều trị.

Sau nội nha, răng có thể hơi nhạy cảm ê ẩm trong vài tuần, hiện tượng sưng đau nặng không thường xảy ra.

Điều trị phục hồi thân răng sau nội nha

Một răng sau khi nội nha sẽ yếu, chịu lực nhai kém hơn và dễ đổi màu hơn các răng khác.

Do đó sau khi kết thúc điều trị tủy chân răng, răng cần phải được điều trị phục hồi phần thân răng đã bị phá hủy với các chốt thân-chân răng để gia cố răng và sau đó trám lại hoặc bọc mão tùy thuộc mức độ lớn nhỏ của phần mô răng bị phá hủy.

Các răng sau thường chịu lực nhai mạnh nên cần bọc mão nếu phần mất chất lớn. Các răng đổi màu có thể tẩy trắng, trám thẩm mỹ, làm mặt dán hoặc bọc mão.

Điều trị nội nha lại

Điều trị nội nha thường thành công trong đa số trường hợp nhưng đôi khi cũng có một vài trường hợp sau nội nha xuất hiện những triệu chứng đau nhức khó chịu, kết quả của nội nha cũ không đạt yêu cầu, cần điều trị nội nha lại.

Lúc này phần vật kiệu trám bít tủy cũ sẽ được lấy sạch, ống tủy được bơm rửa, dũa rộng và trám bít lại tương tự như các giai đoạn điều trị nội nha bình thường. Điều trị nội nha lại thường phức tạp và mất nhiều thời gian hơn điều trị nội nha thông thường.

Lưu ý khi điều trị tủy

Trong những lần khám răng định kỳ, nha sĩ của bạn sẽ kiểm tra răng và phát hiện các tổn thương răng, nhiễm trùng răng ngay cả khi bạn không cảm thấy bất cứ triệu chứng đau nhức nào.

Khi bạn phát hiện vấn đề ở răng, một lỗ sâu chẳng hạn, không nên đợi đến khi đau nhức mà hãy đến Nha sĩ ngay, bạn sẽ có cơ hội nhiều hơn để giữ được răng không bị phá hủy nhiều hơn, bảo vệ được sự sống của tủy và hạn chế tối đa sự mất răng.

Điều trị tủy thông thường có thể được thực hiện tốt bởi các Bác sĩ Nha khoa tổng quát, một số trường hợp đặc biệt cần phải được thực hiện bởi một Bác sĩ chuyên môn về nội nha.

Điều trị tủy ở răng trẻ em có thể được gửi đến một Bác sĩ chuyên điều trị trẻ em. Điều trị nội nha lại và phẫu thuật nội nha trong những trường hợp phức tạp thường được chuyển đến các Bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

Răng sau khi điều trị nội nha vẫn có thể bị các bệnh nha chu, sâu răng nên cần được vệ sinh kỹ, kiểm tra và theo dõi định kỳ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.